#085 | Thỏa thuận trọng tài không rõ ràng

12/26/2023

Tình tiết sự kiện: Công ty Việt Nam và Công ty B có một phụ lục hợp đồng với nội dung: “arbitrator(s) shall be appointed from the Vietnam Institute of Arbitrators and arbitration shall be held in Vietnam” (tạm dịch là trọng tài viên sẽ được chỉ định từ Viện trọng tài Việt Nam và trọng tài diễn ra tại Việt Nam) và “Rules of Arbitration, Place of Arbitration shall be of and in Vietnam” (tạm dịch là Quy tắc trọng tài, địa điểm trọng tài của Việt Nam và tại Việt Nam). Khi có tranh chấp, một bên đã khởi kiện ra VIAC và VIAC xác định có thẩm quyền.

Bài học kinh nghiệm: Thỏa thuận trọng tài rất quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Ở vụ việc trên, các bên có thỏa thuận chọn trọng tài khi có tranh chấp. Tuy nhiên, các bên lại không rõ về tổ chức trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong khi đó ở Việt Nam có nhiều Trung tâm trọng tài (bên cạnh VIAC còn có Trung tâm khác). Các bên phải xử lý như thế nào trong những hoàn cảnh như nêu trên?

Vấn đề thỏa thuận trọng tài không rõ ràng, Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 đã có quy định. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003, thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi “thoả thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung”. Nếu áp dụng Pháp lệnh vào hoàn cảnh nêu trên, thỏa thuận trọng tài vô hiệu vì các bên không có thỏa thuận bổ sung và lúc đó VIAC không có thẩm quyền.

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã có thay đổi lớn liên quan đến thỏa thuận trọng tài không rõ ràng. Trong Luật Trọng tài thương mại năm 2010, không có quy định nào quy định như Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 rằng thỏa thuận trọng tài vô hiệu do không rõ về hình thức trọng tài hay tổ chức trọng tài. Do đó, những thỏa thuận trọng tài khiếm khuyết như nêu trên không còn bị coi là vô hiệu nữa.

Ngoài ra, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 còn có quy định mới. Trọng tài được một bên yêu cầu có thẩm quyền trong trường hợp thỏa thuận trọng tài không rõ ràng. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của Nguyên đơn”.

Với quy định trên, Nguyên đơn được lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài và chỉ có thể lựa chọn Trọng tài mà không được lựa chọn Tòa án (nếu lựa chọn Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý như đã trình bày ở trên). Áp dụng quy định mới này vào vụ việc nêu trên, Nguyên đơn được chọn hình thức trọng tài (như trọng tài vụ việc hay trọng tài quy chế như chọn một Trung tâm trọng tài ở Việt Nam). Thực tế, Nguyên đơn đã chọn VIAC.

Sau khi Hội đồng Trọng tài thuộc VIAC quyết định chấp nhận thẩm quyền, một bên khiếu nại ra Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Tòa án theo hướng VIAC có thẩm quyền. Cụ thể, theo Tòa án, “do thỏa thuận trọng tài sau cùng (ghi trong Phụ lục 1) không xác định được tổ chức trọng tài cụ thể và các bên cũng không thỏa thuận bổ sung về tổ chức trọng tài nên Nguyên đơn có quyền lựa chọn VIAC để giải quyết tranh chấp theo quy định tại Khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010”.

Như vậy, đã có sự thay đổi rất lớn về trường hợp các bên có thỏa thuận trọng tài không rõ ràng. Pháp luật đã theo hướng từ thỏa thuận trọng tài vô hiệu (nên Trọng tài không có thẩm quyền) đến ghi nhận thỏa thuận trọng tài nhưng để cho Nguyên đơn lựa chọn về hình thức trọng tài cũng như Trung tâm trọng tài. Lúc này, mọi sự lựa chọn phụ thuộc vào Nguyên đơn (người khởi kiện) và Bị đơn hoàn toàn bị thụ động.

Thực trạng như trên không an toàn cho doanh nghiệp khi bị khởi kiện vì hình thức trọng tài (vụ việc hay quy chế) và tổ chức trọng tài không còn phụ thuộc vào ý chí của người bị khởi kiện mà phụ thuộc vào ý chí của người khởi kiện. Chính vì vậy, để không phải gánh chịu những rủi ro như vừa nêu, doanh nghiệp cần thận trọng khi thỏa thuận chọn trọng tài. Doanh nghiệp cần mạch lạc trong việc chọn hình thức trọng tài cũng như Trung tâm trọng tài cụ thể để không bị lệ thuộc vào bên khởi kiện.

Chẳng hạn, khi chọn trọng tài, doanh nghiệp có thể thỏa thuận: Trong suốt thời gian có hiệu lực của hợp đồng này hoặc sau khi hợp đồng này hết thời hạn hiệu lực hoặc chấm dứt, Các Bên nhất trí rằng đối với mọi vấn đề liên quan tới hợp đồng này, cũng như các điều khoản trong hợp đồng này, nếu có bất kỳ tranh chấp hay bất đồng nào phát sinh giữa Các Bên, thì tranh chấp hay bất đồng đó trước tiên sẽ được giải quyết thông qua đàm phán thiện chí giữa Các Bên. Nếu Các Bên không giải quyết được tranh chấp trong thời gian sáu mươi (60) ngày kể từ ngày xảy ra tranh chấp hay bất đồng, thì tranh chấp hay bất đồng sẽ được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

*Tuyên bố bảo lưu: Bài viết được đăng tải với mục tiêu cung cấp thông tin có giá trị tham khảo đối với các Trọng tài viên, các bên tranh chấp, những người tham gia tố tụng trọng tài cũng như những người đang nghiên cứu và tìm hiểu về phương thức trọng tài thương mại và không có bất kỳ mối liên hệ hay có mục đích nhằm thể hiện ý kiến, quan điểm của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Mọi sự dẫn chiếu, trích dẫn từ bên thứ ba bất kỳ đến một phần hoặc toàn bộ nội dung tại bài viết này đều không có giá trị và không được VIAC thừa nhận. 

Tin liên quan

  • VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI